Thời còn trẻ, bà là một trong những giai nhân nức tiếng Hà Thành bởi vẻ đẹp dịu dàng, nết na. Bà cũng từng xuất hiện trong tranh chân dung của họa sĩ Văn Len.
Giai nhân Hà thành hiến tặng hơn 5.000 lượng vàng
Bà Hoàng Thị Minh Hồ (1914 – 2017) sinh ra trong một gia đình giàu sang, quyền quý bậc nhất Hà Nội trước năm 1945. Bà là con gái của Hoàng Đạo Phương, một thương gia, một nhà nho uyên bác. Thời còn trẻ, bà là một trong những giai nhân nức tiếng Hà Thành bởi vẻ đẹp dịu dàng, nết na. Bà cũng từng xuất hiện trong tranh chân dung của họa sĩ Văn Len.
Bà Hoàng Thị Minh Hồ trong tranh chân dung của họa sĩ Văn Len.
Năm 18 tuổi, bà Minh Hồ lập gia thất với ông Trịnh Văn Bô, được cha mẹ cho ở riêng tại nhà số 48 Hàng Ngang và kế thừa hiệu buôn tơ lụa Phúc Lợi. Kế nghiệp một gia đình tiếng tăm, bằng tài năng bẩm sinh của mình, bà Hoàng Thị Minh Hồ đã lao động chăm chỉ khiến gia sản ngày một đồ sộ.
Từ số vốn 30 ngàn đồng Đông Dương được mẹ cho khi ra ở riêng, vợ chồng ông Trịnh Văn Bô – bà Hoàng Thị Minh Hồ đã trở thành thương gia giàu có nức tiếng đất Hà Thành khi đó.
Năm 1945, cách mạng Tháng tám diễn ra thành công. Với lòng yêu nước, gia đình bà đã dành tặng ngôi nhà 48 Hàng Ngang để cán bộ cách mạng có nơi làm việc. Không chỉ vậy trong “Tuần lễ vàng” do Chính phủ phát động, vợ chồng bà đã không ngần ngại hiến tặng 5.147 lượng vàng.
Vợ chồng bà còn là thành viên cốt cán trong ban vận động “Tuần lễ vàng”, khích lệ giới công thương và nhân dân quyên góp được 20 triệu đồng Đông Dương và 370 kg vàng.
Vợ chồng bà Hoàng Thị Minh Hồ – ông Trịnh Văn Bô.
Trong nạn đói năm 1945, ông bà cũng mang tiền đi cứu trợ người dân, mua 1.000 vé phát cháo, phát cho người đói.
Vợ chồng ông bà sau đó được Chính phủ trao tặng nhiều Huân chương, Huy chương cao quý, ghi nhận xứng đáng những đóng góp của gia đình cho Tổ quốc.
Bà Hoàng Thị Minh Hồ khi về già.
Giai nhân Hà thành và bài học để đời của cha
Bà Hoàng Thị Minh Hồ được con cháu và những người xung quanh đánh giá là người phụ nữ hiền hậu, sống giản dị, tiết kiệm, không khoe khoang. Dù sinh trưởng trong gia đình thương gia lớn bậc nhất Hà thành nhưng bà luôn quý trọng từng đồng tiền làm ra từ sức lao động của chính mình.
Được biết tính cách này là nhờ sự giáo dục con cái đúng đắn của cụ Hoàng Đạo Phương – thân sinh bà Hoàng Thị Minh Hồ. Cụ Đạo Phương luôn dạy con cái phải biết quý trọng đồng tiền từ sức lao động của chính mình. Chính vì vậy từ năm 12-13 tuổi, bà Minh Hồ đã biết kiếm tiền bằng trí tuệ, bằng hai bàn tay từ những việc đơn giản như khâu đan áo trẻ con đến khi ra đứng cửa hàng buôn bán.
Thấy con gái thông minh, tháo vát, cụ Đạo Phương căn dặn lại: “Cha già, cha chưa làm tròn việc nước, sau này con nào có điều kiện giúp nước thay cha”. Nhớ lời căn dặn của cha nên khi quốc gia kêu gọi, bà sẵn sàng hiến tặng 5.000 lượng vàng mà không có một sự so đo tính toán nào.
Được biết đức tính giản dị, tiết kiệm được bà Minh Hồ giữ gìn và truyền lại cho con cháu đời sau. Bữa ăn còn chút nước mắm thừa, bà thường nhắc con không được đổ đi mà phải để lại, bữa sau nấu nướng thì nêm vào. Bữa ăn nào bà cũng dạy con cháu, ăn cơm phải sạch bát, không được để thừa hạt cơm nào.
“Mẹ tôi luôn dặn dò con cháu giữ gìn truyền thống gia đình, không làm điều trái với luân thường đạo lý. Dù khó khăn đến đâu cũng phải vượt qua, vươn lên, nếp sống coi trọng sự thật thà, nhân hậu. Cái gì đã nói với nhau thì sẽ không hai lời”, ông Trịnh Kiến Quốc – con trai bà Minh Hồ kể về cách giáo dục của mẹ.
Bà Hoàng Thị Minh Hồ mất vào đêm ngày 5/11/2017, hưởng thọ 104 tuổi. Trước khi mất, bà sống tại căn biệt thự rộng lớn ở 34 Hoàng Diệu, quận Ba Đình, Hà Nội. Dù căn nhà rộng thênh thang nhưng đồ đạc bên trong rất giản tiện…
Sinh thời, cụ Minh Hồ luôn sống giản dị, gần gũi, tiết kiệm, không khoe khoang. Vì đức tính đó nên câu chuyện ông bà quyết định mua căn biệt thự cổ ở số 34 Hoàng Diệu rất ít người biết.
Theo đó, căn biệt thự cổ và cả khuôn viên của gia đình cụ Minh Hồ có tổng diện tích gần 3.000m2, được xây dựng từ thời Pháp thuộc. Thời điểm đó, cụ Minh Hồ cùng chồng mua căn nhà này với giá gần 300.000 đồng (tiền Đông Dương) của đôi vợ chồng người Pháp.
Căn biệt thự cổ có kiến trúc khá độc đáo. Với thiết kế 3 tầng nhưng tầng 1 lại có chiều cao rất khiêm tốn. Tầng này thấp vì thường để cho gia nhân ở hoặc chỉ là tầng để chống ẩm thấp. Tầng 2 là tâm điểm của căn nhà, chiếm diện tích lớn nhất, thường được dùng để tiếp đãi khách và là nơi sinh hoạt chính của cả gia đình. Ban công nhìn ra đường Hoàng Diệu và Hoàng Thành Thăng Long. Tầng 3 thường cho các con cháu trong gia đình ngủ nghỉ…
Sàn nhà các tầng đều làm bằng gỗ, tay vịn cầu thang và nhiều đồ đạc trong gia đình cũng được làm từ gỗ tốt, càng cùng càng bóng loáng, đẹp mắt. Nằm giữa trung tâm Thủ đô nhưng chỉ cần bước chân vào khuôn viên căn biệt thự là được tận hưởng một không gian tĩnh lặng và trong lành. Phía sau căn biệt thự cổ là vườn cây xanh ngát, rất nhiều cây cổ thụ lâu năm.
Theo ông Trịnh Cần Chính, trước đây gia đình ông ở căn nhà số 48 Hàng Ngang, không gian cũng rất rộng rãi, thoải mái. Việc bố mẹ ông chọn mua căn biệt thự 34 Hoàng Diệu là có căn nguyên cụ thể.
“Khi xưa gia đình tôi làm nghề buôn bán, kinh tế cũng thuộc vào loại nhất nhì ở đất Hà Nội này, bố mẹ tôi sau mỗi ngày làm việc căng thẳng về thường muốn tìm nơi nào yên ắng để nghỉ ngơi. Tuy căn nhà số 48 Hàng Ngang cũng rất rộng rãi nhưng nơi đây đông dân cư và khá ồn ào. Khi biết tin có một cặp vợ chồng người Pháp muốn bán căn nhà ở số 34 Hoàng Diệu, bố mẹ tôi đến xem thì thấy rất hài lòng, vì kiến trúc cũng như không gian tĩnh lặng nơi đây rất phù hợp với mong muốn của ông bà, nên đã quyết định mua lại. Thời đó không đủ tiền để mua lại ngôi nhà này nên bố mẹ tôi đã vay cả tiền của Ngân hàng Đông Dương thời bấy giờ để mua cho kỳ được”, ông Chính cho biết.
Năm 2017, cụ Hoàng Thị Minh Hồ đã qua đời tại nhà riêng ở số 34 Hoàng Diệu. Ông Trịnh Lương, con trai cả của các cụ cho biết, sau khi mẹ ông qua đời, 4 người em đã cử ông làm đại diện đặt vấn đề để lại nhà 34 Hoàng Diệu cho TP.Hà Nội.
Theo ông Lương, căn nhà 34 Hoàng Diệu nằm ở vị trí chỉ phù hợp với công trình kiến trúc nhà nước, còn tư nhân không nên ở. Vì vậy, 5 thành viên trong gia đình muốn nhượng lại căn biệt thự này cho TP.Hà Nội với giá hợp lý.
“Tôi mong muốn bán nhà 34 Hoàng Diệu, một phần tiền để làm quỹ từ thiện Trịnh Văn Bô, Hoàng Thị Minh Hồ. Phần còn lại, chúng tôi sẽ chia cho con cháu”, ông Lương nói.