Vụ Vạn Thịnh Phát: Cả đoàn thanh tra bị mua chuộc để bưng bít cho sai phạm của SCB

Liên quan vụ Vạn Thịnh Phát, ngoài cựu cục trưởng Ngân hàng Nhà nước nhận hối lộ 5,2 triệu USD thì các thành viên còn lại trong đoàn thanh tra đều nhận tiền của SCB, ít nhất là hơn 100 triệu và người nhận nhiều nhất 8,7 tỉ.

Ông Nguyễn Văn Hưng khi còn là phó chánh thanh tra, bị cáo buộc vụ lợi nhận 390.000 USD trong vụ Vạn Thịnh Phát – Ảnh: TTXVN

Bản kết luận điều tra vụ Vạn Thịnh Phát cho thấy đây là vụ án liên quan ngân hàng có nhiều sai phạm khủng với số bị hại lớn nhất từ trước đến nay (42.000 nhà đầu tư mua trái phiếu của Vạn Thịnh Phát), số tiền nhận hối lộ lớn nhất (5,2 triệu USD) và số tiền tham ô cũng lớn nhất 304.000 tỉ đồng.

Một trong những nguyên nhân khiến cho Ngân hàng SCB không bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, sai phạm ngày càng nghiêm trọng với dư nợ hơn 677.000 tỉ khó thu hồi là do đoàn thanh tra liên ngành “làm ngơ” với nhiều sai phạm nghiêm trọng, báo cáo không trung thực tình trạng yếu kém của nhà băng này.

Kết quả điều tra cho thấy các sai phạm khủng của SCB bị bưng bít bởi chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã chỉ đạo cho lãnh đạo ngân hàng đưa hối lộ bà Đỗ Thị Nhàn – cựu cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II, Ngân hàng Nhà nước (trưởng đoàn thanh tra) – số tiền đặc biệt lớn, lên đến 5,2 triệu USD.

Đây là số tiền một người nhận hối lộ trong một vụ án lớn nhất từ trước đến nay.

Các bị can còn lại là thành viên của đoàn thanh tra cũng đều bị SCB “mua chuộc” bằng tiền, trong đó người nhận nhiều nhất là ông Nguyễn Văn Hưng (phó chánh thanh tra phụ trách Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng – Ngân hàng Nhà nước) với số tiền 390.000 USD.

Bưng bít sai phạm dẫn đến không ngăn chặn được hành vi phạm tội của chủ tịch Vạn Thịnh Phát

Theo kết luận, trong thời gian xây dựng, phê duyệt, triển khai kế hoạch tái cơ cấu SCB giai đoạn 2015-2019, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng triển khai 3 đoàn thanh tra.

Trong đó, đoàn thanh tra liên ngành năm 2017-2018 có phạm vi, nội dung thanh tra toàn diện SCB.

Kết quả thanh tra là cơ sở đánh giá đúng tình hình, thực trạng tín dụng, nợ xấu của nhà băng này cũng như tình trạng sở hữu cổ phần, kiểm soát điều hành ngân hàng của bà Trương Mỹ Lan, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan thời điểm bị bắt – Ảnh: Bộ CA

Từ đó là cơ sở để Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước có các giải pháp, biện pháp xử lý phù hợp đối với Ngân hàng SCB.

Tuy nhiên trong quá trình thanh tra, các cá nhân là lãnh đạo Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, trưởng đoàn, phó đoàn và các thành viên đã có nhiều sai phạm, vi phạm nghiêm trọng, nhận tiền, quà, lợi ích vật chất để bao che, bưng bít thực trạng của SCB, kết luận nêu.

Do bị “mua chuộc” nên đoàn thanh tra đã báo cáo không trung thực, không đầy đủ kết quả thanh tra cho Ngân hàng Nhà nước nên cơ quan này không có đủ thông tin, tài liệu phục vụ tham mưu, chỉ đạo xử lý các sai phạm của SCB, ngăn chặn hành vi phạm tội của chủ tịch Vạn Thịnh Phát là bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm, C03 cáo buộc.

Làm ngơ với các sai phạm khủng để giúp SCB không bị “kiểm soát đặc biệt”

Theo kết luận, ngày 1-8-2017, ông Nguyễn Văn Hưng khi là phó chánh thanh tra phụ trách Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng – Ngân hàng Nhà nước đã ra quyết định thành lập đoàn liên ngành thanh tra SCB.

Đoàn thanh tra này có 18 thành viên do nữ cục trưởng Đỗ Thị Nhàn làm trưởng đoàn, cùng 9 cán bộ thanh tra của Ngân hàng Nhà nước, 2 cán bộ Kiểm toán Nhà nước, 4 cán bộ Thanh tra Chính phủ và 3 người của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia.

Giữa tháng 8-2017, ông Hưng và đoàn liên ngành công bố quyết định thanh tra tại trụ sở chính Ngân hàng SCB.

Ban đầu, kết quả thanh tra xác định SCB sai phạm tại tất cả các nội dung thanh tra như: tăng trưởng tín dụng, phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro; tỉ lệ cấp tín dụng vào các dự án bất động sản, xử lý nợ xấu; đặc biệt là sai phạm trong việc cấp tín dụng hầu hết đều rủi ro mất vốn…

Làm việc với đoàn thanh tra, SCB có ý kiến nếu các dự án, phương án tái cơ cấu theo kết quả thanh tra phải phân loại nợ xấu thì lợi nhận SCB sẽ âm rất lớn và khả năng nhà băng này bị phá sản là rất cao.

Sau đó, đoàn thanh tra chỉ quyết định xử phạt hành chính 4 vấn đề sai phạm của SCB với số tiền 965 triệu đồng.

Khi xây dựng dự thảo báo cáo lần đầu phục vụ việc trình bày với lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước và Thủ tướng vào cuối tháng 1-2018, nữ cục trưởng Đỗ Thị Nhàn đã chỉ đạo tổ tổng hợp “bỏ ngoài số liệu phân loại nợ xấu nhóm 4 và nhóm 5” với 3 dự án Mũi Đèn đỏ, 6A và Royal Garden với tổng dư nợ gần 38.000 tỉ đồng.

Kết luận nêu, sau khi đoàn thanh tra bỏ ngoài các số liệu phân loại nợ xấu, các chỉ tiêu tài chính của SCB đã bị thay đổi, sai lệch. Hành vi của nữ cục trưởng và các thành viên đoàn thanh tra đã giúp một số chỉ tiêu tài chính của SCB thay đổi: nợ xấu từ 91.000 tỉ xuống còn 53.000 tỉ đồng; vốn chủ sở hữu đang âm (-19 ngàn tỉ) thành dương (+2,7 ngàn tỉ), hệ số an toàn vốn riêng lẻ cũng đang từ âm hơn 4% thành dương gần 6%.

Sau cuộc báo cáo Chính phủ, ông Hưng tiếp tục chỉ đạo bà Nhàn chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện dự thảo báo cáo, dự thảo kết luận để trình Ngân hàng Nhà nước xin ý kiến.

Tại các dự thảo kết luận, nữ cục trưởng tiếp tục yêu cầu thành viên trong đoàn bỏ nội dung kiến nghị phân loại nợ nhóm 4, nhóm 5 với 3 dự án tại chi nhánh SCB Cống Quỳnh trong dự thảo.

Ngoài ra, đoàn thanh tra còn phát hiện rất nhiều sai phạm tại các khoản vay của nhóm 71 khách hàng ở cùng một địa chỉ số 4 Nguyễn Thị Minh Khai nhưng lại bưng bít, bao che, không báo cáo, kết luận điều tra nêu.

Đáng chú ý, kết quả điều tra xác định Trung tâm thông tin tín dụng của Ngân hàng Nhà nước có báo cáo định kỳ cho Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng về những bất thường liên quan dư nợ của SCB, các khoản vay của nhóm 71 khách hàng ở cùng một địa chỉ là số 4 Nguyễn Thị Minh Khai.

Tuy nhiên, ông Hưng và bà Nhàn và tổ tổng hợp đã không sử dụng kết quả này. Thậm chí, khi thành viên đoàn thanh tra đề xuất “đưa SCB vào diện kiểm soát đặc biệt” thì ông Hưng gạt nội dung này khỏi báo cáo để Ngân hàng Nhà nước báo cáo Chính phủ.

“Đồng thời các nội dung báo cáo thể hiện không trung thực, không đầy đủ, giảm nhẹ “làm mờ” đi sai phạm, vi phạm của Ngân hàng SCB tại các dự án… báo cáo không đúng về việc phân loại nợ xấu, trích lập dự phòng rủi ro”, kết luận nêu.

Nghiêm trọng hơn, tại phần kiến nghị, đoàn thanh tra đã đề xuất Chính phủ tiếp tục tạo điều kiện cho Ngân hàng SCB thực hiện tái cơ cấu, cho phép nhà băng này xây dựng đề án tái cơ cấu.

Ngày 4-12-2018, ông Nguyễn Văn Du – quyền chánh thanh tra Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng (thay ông Nguyễn Văn Hưng nghỉ hưu), ký ban hành kết luận thanh tra đối với SCB.

Nội dung kết luận này bị xác định thể hiện không trung thực, không đúng so với kết quả thanh tra về tình hình, thực trạng tài chính, vi phạm, sai phạm và các kiến nghị đối với SCB.

Đặc biệt tại phần kiến nghị, đoàn thanh tra đã đề xuất Chính phủ tiếp tục tạo điều kiện cho SCB thực hiện tái cơ cấu.

Cụ thể, kết luận bỏ ngoài số liệu nợ xấu của ba siêu dự án. Nếu thể hiện đầy đủ thì nợ xấu của SCB tới 35,8% nhưng kết luận chỉ nêu nợ xấu 20,9%.

Việc SCB vi phạm hầu hết các quy định của Ngân hàng Nhà nước về lỗ lũy kế, âm vốn sở hữu, nợ xấu cũng được bỏ ngoài kết luận thanh tra. Việc này nhằm tránh cho SCB bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt.

Kết luận còn bỏ toàn bộ nội dung kiến nghị thu hồi ngay số tiền vay sử dụng sai mục đích ở ba dự án, không kiến nghị chuyển cơ quan điều tra các sai phạm.

Tại cơ quan điều tra, bà Nhàn và ông Hưng đều thừa nhận thời kỳ thanh tra, thực trạng tài chính của SCB “là rất xấu, đủ điều kiện đưa vào diện kiểm soát đặc biệt”.

Tuy nhiên ông Hưng đã báo cáo không đúng thực trạng của SCB, không kiến nghị chuyển cơ quan điều tra xử lý.

Từ đó, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước không có đủ thông tin để xử lý sai phạm của SCB và ngăn chặn hành vi phạm tội của chủ tịch Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan.

Cả đoàn thanh tra ai cũng nhận tiền từ SCB

Theo kết luận, từ tháng 4-2016 đến 1-10-2018, ông Nguyễn Văn Hưng đã nhiều lần nhận quà là tiền từ lãnh đạo SCB là Đinh Văn Thành và Võ Tấn Hoàng Văn tổng cộng 390.000 USD (tương đương 8,7 tỉ đồng).

Trong đó, riêng thời gian thực hiện thanh tra, ông Hưng nhận 310.000 USD. Hưng khai đã sử dụng số tiền này vào các mục đích cá nhân. Hưng đã nhận thức được việc nhận tiền và thực hiện việc báo cáo không trung thực, không đầy đủ kết quả thanh tra là trái quy định pháp luật.

Ông Nguyễn Văn Du, là người ký ban hành kết luận, thừa nhận có quen biết, nhiều lần gặp gỡ Đinh Văn Thành và Võ Tấn Hoàng Văn.

Trong các lần gặp gỡ (kể cả lần khi ông Du được bổ nhiệm giữ chức quyền chánh thanh tra), hai lãnh đạo SCB có đưa quà nhưng “ông không nhận và trả lại”.

Bị can Nguyễn Thị Phụng, phó trưởng đoàn thanh tra, thừa nhận nhiều lần nhận tiền từ SCB với tổng số tiền 20.000 USD và 210 triệu đồng, quà và lợi ích vật chất từ SCB gồm 1 đồng hồ, 1 túi xách và 1 chiếc khăn trong quá trình thanh tra. Phụng đã sử dụng số tiền này vào mục đích cá nhân.

Đỗ Anh Tuấn, tổ trưởng tổ thanh tra số 3, đã nhận tiền của SCB thông qua Võ Tấn Hoàng Văn đưa 4 lần, mỗi lần 10.000 USD tổng cộng 40.000 USD. Tuấn đã trả lại 20.000 USD, còn lại sử dụng cá nhân. Tuấn đã chủ động phối hợp cùng gia đình nộp lại toàn bộ số tiền này để khắc phục hậu quả.

Trần Văn Tuấn, tổ trưởng tổ thanh tra số 4, cũng 4 lần được SCB đưa tiền, quà, lợi ích vật chất tổng cộng 6.000 USD và 40 triệu đồng.

Lê Thanh Hà, tổ trưởng tổ thanh tra số 5, thì 5 lần nhận tiền từ tổng giám đốc SCB và các giám đốc chi nhánh Gia Lai, chi nhánh Hai Bà Trưng, tổng cộng 14.000 USD và 100 triệu đồng.

Trương Việt Hưng, thành viên tổ thanh tra số 4, chưa thừa nhận việc nhận tiền và quà từ SCB trong quá trình tham gia đoàn thanh tra. Tuy nhiên lời khai của các thành viên trong tổ thanh tra và các cá nhân tại SCB khẳng định Hưng đã 2 lần nhận tiền.

Lần thứ nhất Hưng nhận 1.000 USD vào ngày công bố quyết định thanh tra, lãnh đạo SCB đưa cho tất cả thành viên trong đoàn, trong đó thành viên thuộc Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước và Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhận số tiền 1.000 USD. Lần thứ hai vào dịp nghỉ lễ 2-9-2017, lãnh đạo SCB đưa 5.000 USD cho thành viên tổ 4 và các thành viên đoàn thanh tra.

Nguyễn Duy Phương, thành viên tổ 4, khai 2 lần được SCB đưa tiền tổng cộng 1.000 USD và 20 triệu đồng. Với số tiền 5.000 USD thì Phương không nhớ. Tuy nhiên tài liệu điều tra đến nay có cơ sở xác định SCB đưa số tiền 5.000 USD cho Phương cùng các thành viên đoàn trong một đợt nghỉ lễ trên.

Nguyễn Văn Thùy, thành viên tổ 1, khai 6 lần nhận tiền tổng cộng 21.000 USD và 60 triệu đồng từ SCB.

Một số thành viên đoàn thanh tra khai 4 lần nhận tiền thì có 2 lần trả lại, còn 2 lần nhận tổng cộng 100 triệu đã sử dụng vào mục đích cá nhân.

7 thành viên còn lại, trong đó có 3 cán bộ của Kiểm toán Nhà nước và Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, 1 thanh tra viên thuộc Thanh tra Chính phủ nhận tiền người ít 100 triệu, người nhiều 9.000 USD nhưng đều chủ động nộp lại trước khi vụ án bị khởi tố.

Những người này được xác định đều là cấp dưới, chỉ tham gia một phần việc do tổ trưởng giao, hợp tác tích cực trong quá trình điều tra nên C03 không xem xét trách nhiệm hình sự mà đề nghị xử lý nghiêm về Đảng và chính quyền để đảm bảo tính răn đe.

Riêng trưởng đoàn Đỗ Thị Nhàn bị cáo buộc nhận hối lộ số tiền đặc biệt lớn lên đến 5,2 triệu USD.

Theo cơ quan điều tra, tháng 10 đến tháng 12-2018, giai đoạn xây dựng dự thảo kết luận thanh tra để xin ý kiến các bộ ngành liên quan, ông Văn và lái xe đã 3 lần mang thùng xốp đựng USD đến hối lộ bà Nhàn. Trong đó, một lần đưa một thùng có 1 triệu USD; hai lần đưa thùng có 2 triệu USD.

Theo Tuổi Trẻ

Related Posts

Expert Responsible for Dana White’s Transformation Spills LeBron James’s Secret to Longevity in NBA

Dana White’s Health Guru Reveals LeBron James’s Secret to Staying Elite in the NBA via ImagoIn 2023, UFC President Dana White underwent a remarkable transformation after adopting…

🥊 Ito ang Dahilan kaya NAGALIT si Pacquiao sa laban na ito | “tiếng Hin-ddi ka pa hino” After Years of Silence, Manny Pacquiao Reveals the Truth About His Fight with Julio: “I Knew I Had to End It Quickly, or It Could Get Dangerous…” (+VIDEO)

Manny Pacquiao has long been celebrated for his relentless fighting style, lightning-fast combinations, and unparalleled determination within the boxing ring. In yet another chapter of his stellar…

How Pacquiao BATTLED Boxing’s Golden Boy? After Years of Doubt, Manny Pacquiao Breaks Silence on Oscar De La Hoya Fight: “I Was Fighting My Idol, But I Had to Prove I Belonged Among the Greats…” (+VIDEO)

The 2008 boxing match between Manny Pacquiao and Oscar De La Hoya was a pivotal moment in the sport’s history, representing a clash of two iconic fighters…

Ime Udoka Breaks Silence on LeBron James’ Costly Blunder After Confirming Strategy Against Lakers Duo

Ime Udoka Speaks Out on LeBron James’ Critical Mistake After Revealing Strategy Against Lakers Stars In the dying moments of the game, Alperen Sengun’s missed second free…

“She’s Not Caitlin Clark”: Angel Reese’s Drastic Decision Forces an Opinion From ‘Daddy’ Stephen A. Smith

In the world of basketball, comparisons can be as relentless as a full-court press. Every dribble, pass, and move is scrutinized, magnified, and often juxtaposed against someone…

The Funny NIL Clash Reveals Reese’s True Nature When She Dares to Disdain Michael Jordan. She always has to protect her brand when others touch it.

The Chicago Sky forward is making the most of her offseason. Angel Reese refused to use Michael Jordan’s brand.LAPRESSE Angel Reese, the reigning queen of NIL deals and social…